Năm 2011, kiến trúc sư Kotchakorn Voraakhom và gia đình cô cũng như hàng triệu người khác ở Bangkok bị mất nơi ở và trở thành vô gia cư khi lũ lụt tràn qua nhiều khu vực ở Thái Lan và làm ngập siêu độ thị. Đó là trận lụt tồi tệ nhất của Thái Lan trong nhiều thập kỷ, một thảm họa trên toàn quốc kéo dài hơn 3 tháng và khiến hơn 800 người tử vong. Các nhà khoa học sau đó liên hệ thảm họa ngập lụt với lượng mưa tăng lên bởi phát thải khí nhà kính do con người gây ra, theo BBC.
Thảm họa này khiến Voraakhom chấn động và thôi thúc cô thành lập công ty kiến trúc Landprocess. Trong hơn một thập kỷ qua, công ty đã thiết kế nhiều công viên, vườn trên mái nhà và không gian công cộng ở thành phố thấp để giúp người dân tăng khả năng chống chọi ngập lụt. Thiết kế ấn tượng nhất của Voraakhom cho tới nay là mái trường đại học phủ đầy cây xanh lấy cảm hứng từ ruộng bậc thang.
Tại Đại học Thammasat ở phía bắc Bangkok, các tầng thửa ruộng nhỏ nằm dốc dần từ đỉnh tòa nhà dọc theo phần mái xanh của Voraakhom, cho phép trường thu thập nước mưa và trồng thức ăn. Có 4 ao nước quanh tòa nhà để thu gom nước chảy xuống. Vào ngày khô hạn, nước này được bơm ngược lại bằng năng lượng sạch do pin quang điện trên mái tạo ra, dùng để tưới tiêu cho các thửa ruộng. Khi phần mái được xây vào năm 2019, nó trở thành trang trại trên mái nhà ở đô thị lớn nhất châu Á với 7.000 m2 trong tổng số 22.000 m2 dành cho trồng trọt hữu cơ.
So với thiết kế từ bê tông, phần mái xanh có thể giảm 20 lần tốc độ chảy của nước mưa đổ xuống mặt đất, một vấn đề lớn đối với Bangkok, theo ước tính từ Voraakhom. Nó cũng giảm 2 - 4 độ C nhiệt độ bên trong tòa nhà vào mùa hè nóng nực ở Bangkok.
Ruộng bậc thang là những thửa ruộng xếp lớp do nông dân tạo ra dọc theo sườn đồi và núi để tối đa hóa sử dụng đất. Loại ruộng này phổ biến ở nhiều nước châu Á bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam và Philippines. Nguồn gốc của chúng có thể đến từ lưu vực sông Trường Giang ở Trung Quốc cách đây hơn 5.000 năm.
Dù có hình dáng và kích thước đa dạng, tất cả ruộng bậc thang đều được xây dựng để dựa theo đường cong tự nhiên, cho phép thu thập và giữ nước mưa, đồng thời sử dụng nước mưa để nuôi dưỡng đất và hoa màu. Theo Yu Kongjian, giáo sư kiến trúc ở Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc, cách xây dựng ruộng bậc thang của nhiều thế hệ nông dân có thể mang lại lợi ích to lớn cho các thành phố châu Á khi đối phó với mưa bão.
Ruộng bậc thang là một trong những nền tảng trong lý thuyết thành phố xốp của Yu, kêu gọi các thành phố dựa vào đất đai và cây xanh thay vì sắt thép và bê tông để giải quyết vấn đề lũ lụt và lượng mưa dư thừa. Theo ông, nước mưa nên được thấm hút và giữ lại tại nguồn, làm chậm dòng chảy và điều chỉnh ở nơi nó đổ vào. Ruộng bậc thang giúp giảm thiểu lũ lụt tại nguồn. Từ năm 1997, Yu đã thiết kế hơn 500 dự án thành phố xốp tích hợp yếu tố bậc thang trên khắp Trung Quốc, một số tạo ra tác động ấn tượng.
Ví dụ, công viên Yanweizhou hoàn thành năm 2014 ở Kim Hoa, Chiết Giang, quê hương của Yu, có bờ sông giống ruộng bậc thang trồng cỏ có thể thích nghi với môi trường dưới nước. Đặc trưng "xốp" này có thể giảm tới 63% mức độ ngập lụt tối đa hàng năm của công viên so với công trình bê tông.