1. Cách chọn cầu dao ( Aptomat )
Aptomat là loại cầu dao tự động ngắt khi có sự cố trong đường điện nằm trong hệ thống mà aptomat điều khiển.Chọn định mức dòng điện aptomat hạ thế theo nguyên tắc: IB < In < Iz Với: IB là dòng điện làm việc lớn nhất của các thiết bị điện cần bảo vệ. Iz là dòng giới hạn cho phép của dây dẫn.
Thông thường chọn giá trị dòng định mức của aptomat lớn hơn giá trị dòng làm việc khoảng 20%. Hiện tượng xảy ra do sau khi có điện trở lại, tất cả thiết bị điện khởi động cùng lúc, các thiết bị có công suất lớn như: máy điều hòa không khí, tủ lạnh, máy giặt cùng khởi động, nên tổng dòng là rất lớn từ 3-10 lần so với lúc hoạt động ổn định tác động đến aptomat bảo vệ. Vì thế khi bị cúp điện nên ngắt tất cả các thiết bị điện có công suất lớn, sau khi có điện trở lại mới khởi động lại từng thiết bị trên nếu có nhu cầu.
2. Cách chọn cầu dao hạ thế
Cầu dao điện là dụng cụ thường được dùng trong các mạng điện hạ áp, có điện áp từ 220 – 380V, khác với công tắc điện, cầu dao có khả năng đóng ngắt các dòng điện có cường độ lớn. Cầu dao có nhiều loại: cầu dao 1 pha, 3 pha; cầu dao đảo,…
Để mua được một cầu dao tốt và đúng quy cách, ta cần lưu ý:
– Khi mua cầu dao cần phải xem xét độ bền của các chi tiết cơ khí, cụ thể là : lưỡi dao, ngàm tiếp xúc cần phải đầy đặn và phẳng phiu. Các bộ phận của cầu dao phải được cố định chắc chắn, không xộc xệch và đúng vị trí.
– Trong cầu dao, dòng điện sẽ chạy qua các phần sau đây : các cực đấu dây, chỗ tiếp xúc giữa ngàm và lưỡi dao, trục quay của tay gạt. Nếu các chi tiết này tiếp xúc không tốt, khi vận hành cầu dao sẽ bị phát nóng và dẫn đến hư hỏng. Để thoả mãn các yêu cầu trên, các ốc xiết dây phải chặt khít để khi xiết mạnh không bị tuột răng. Khi cầu dao ở trạng thái đóng, các ngàm phải ôm chặt các lưỡi dao. Riêng đối với cầu dao 3 pha thì khi đóng, 3 lưỡi dao cần phải tiếp xúc một lần để đảm bảo cho động cơ không bị sốc khi khởi động. Trục quay của tay gạt phải chặt chẽ để khi dòng điện chạy qua không bị phát nóng.
– Ngoài ra, đế cầu dao và chuôi tay gạt có thể được làm bằng nhựa hoặc bằng sứ, điều đó không quan trọng vì mỗi loại có ưu, nhược điểm riêng. Loại bằng nhựa có ưu điểm là nhẹ, cách điện tốt nhưng không chịu được nhiệt độ cao. Loại bằng sứ chịu nhiệt tốt, nhưng hay mẻ hoặc vỡ.
– Cần lưu ý : Trước khi mua cầu dao cho các máy móc nông nghiệp cần phải biết máy đó sử dụng điện 1 pha hay 3 pha và điện áp định mức là bao nhiêu. Muốn biết điện áp định mức phải căn cứ vào đường điện mà chúng ta cần lắp cầu dao. Để đảm bảo an toàn, điện áp định mức của cầu dao 1 pha thường là 450 V hoặc 600 V. Điện áp định mức thường được ghi trên tay gạt của cầu dao.
3. Cách chọn cầu dao đảo chiều
Cầu dao đảo giống hình thức giống như cầu dao thường nhưng có 3 khớp hay 3 tiếp điểm, mục đích chính là để chuyển đổi nguồn điện ví dụ khi kéo lên sẽ lấy điện lưới quốc gia, kéo đến giữa cầu dao sẽ tắt điện quốc gia và điện máy phát (bộ kích điện), kéo xuống thì dùng điện máy phát (bộ kích điện).
Công dụng chính của cầu dao đảo là để bảo vệ máy phát điện, cách ly hai nguồn điện khác nhau, tuyệt đối không nên mắc đường dây máy phát điện (bộ kích điện) vào thẳng cầu dao tổng rồi khi có điện lưới bối rối không tắt máy điện rút dây ra mà bật ngay cầu dao tổng lên thì tất cả thiết bị điện sẽ cháy và máy phát điện (bộ kích điện) sẽ bị hư hỏng ngay.
4. Cách chọn cầu dao tự động CB
Cầu dao tự động hoạt động như 1 thiết bị bảo vệ để chống quá dòng, quá tải và ngắt mạch. Có thể chia cầu dao làm 2 loại chính:
Loại bảo vệ quá dòng, quá tải bằng cơ cấu thanh lưỡng kim và loại chống điện giật, bảo vệ quá dòng và ngắn mạch có rơle.
Loại bảo vệ quá dòng ngoài cơ cấu thanh lưỡng kim để bảo vệ quá dòng như Aptomat còn có rơle điện từ. Khi có ngắn mạch thì rơle điện từ sẽ hoạt động tức thời để cắt dòng điện. Các loại có cấu tạo theo cơ cấu hỗn hợp này thường được sản xuất từ châu Âu và Mỹ, Nhật hoạt động hữu hiệu hơn và giá cả cũng thường đắt hơn.
Khi mua cần lưu ý: Dòng điện định mức ghi trên CB phải phù hợp với dòng điện đang sử dụng, có thể chọn dòng điện định mức trên CB bằng từ 120% – 150% (ví dụ sử dụng thiết bị khoảng 12A thì có thể dùng loại CB 15 A).
5. Cách chọn ELCB
ELCB (Earth leakage circuit breaker) thường được gọi tên theo các thói quen khác nhau là “Rơ le bảo vệ chạm đất”, aptomat “chống giật”, “cầu dao chống giật”. ELCB là loại thiết bị làm việc trên nguyên tắc phát hiện sự chênh lệch dòng điện đi và về để có thể ngắt phía nguồn tiêu thụ nếu có sự chênh lệch giữa chúng. ELCB được dùng để bảo vệ an toàn cho lưới điện quan trọng hơn là sự an toàn của con nguời đối với các nguy cơ bị “điện giật”.Cần phân biệt rõ giữa ELCB và CB – cầu dao tự động chống ngắt mạch. CB chỉ có chức năng ngắt điện khi có sự cố chạm mạch điện chứ không có khả năng phát hiện rò rỉ điện như ELCB. Do vậy, về độ an toàn, ELCB được đánh giá cao hơn rất nhiều so với CB.
Khi chập điện thì tại vị trí chập nhau sẽ sinh ra nhiệt đủ để phát cháy đối với chính dây dẫn với vỏ cách nhiệt bằng nhựa, và chủ yếu là nhiệt đó sẽ tạo ra bén lửa đối với các vật xung quanh. Dòng điện có thể tăng cao đến mức làm các aptomat (hoặc cầu chì bảo vệ) ngắt điện. Sự ngắt này sẽ làm cho dòng điện dân dụng sẽ không còn là tác nhân tiếp tục làm đám cháy mạnh thêm nữa.
Trong các trường hợp sự cố đối với các thiết bị điện gây phát nhiên, nhiều khả năng là chúng làm cháy dây dẫn được bọc cách điện, do đó sẽ xuất hiện dòng điện rò ra vỏ thiết bị, và có thể chúng được truyền xuống đất. Không chỉ thế, trong các trường hợp khác thì dòng điện có nhiều khả năng rò xuống đất và làm mất cân bằng giữa dòng điện đi và dòng điện về trong một mạng điện gia đình. Vậy là ELCB có mặt để ngắt điện.
Thông thường, ELCB đã được nhà sản xuất lắp đặt sẵn bên trong máy nước nóng, tuy nhiên, để an toàn hơn, bạn cũng có thể yêu cầu nhân viên kỹ thuật lắp đặt thêm một ELCB ở bên ngoài để phát hiện các dấu hiệu rò rỉ điện ở mức độ nhỏ hơn.