Những năm 1940 và 1950, thành phố New Orleans, bang Louisiana, Mỹ, phát triển bùng nổ nhưng đường vào thành phố bị hồ nước cản trở. Để đến New Orleans từ bờ bắc, người ta phải lái xe qua một quãng đường dài và tốn thời gian. Do đó, Ủy ban Đường cao tốc Greater New Orleans được thành lập để xây dựng Cầu Hồ Pontchartrain.
Cây cầu là một sự thành công lớn, mang lại lợi ích cho dân cư cả hai bên bờ hồ khi thời gian đi lại giảm đáng kể. Công trình cũng cung cấp lối đi cho khách du lịch ở New Orleans ghé thăm nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở bờ phía bắc.
Cầu Hồ Pontchartrain Pontchartrain thực chất gồm hai cầu chạy song song nhau. Cầu hướng nam gồm hai làn xe, mở cửa lần đầu tiên vào ngày 30/8/1956, trong khi cầu hướng bắc với thiết kế tương tự hoàn thành vào năm 1969. Dù có kích thước đồ sộ, quá trình xây dựng cầu chỉ diễn ra trong 14 tháng với các phương pháp dây chuyền lắp ráp và sản xuất hàng loạt. Thực tế, đây cũng là lần đầu tiên những phương pháp xây dựng này được áp dụng với một cây cầu.
Cầu hướng nam gồm 2.246 nhịp, rộng khoảng 8,5 m và dài 17 m, trong khi cầu hướng bắc có 1.506 nhịp, rộng 8,5 m và dài 25,6 m. Các nhịp bao gồm dầm bêtông cốt thép dự ứng lực đúc liền (mọi thành phần được đúc đồng thời cùng nhau), lan can và sàn cầu. Nhịp ở cả cầu hướng bắc lẫn hướng nam đều được chống đỡ bởi các trụ bêtông đúc sẵn dài trung bình 27,4 m.
Khi đi vào hoạt động, Cầu Hồ Pontchartrain giữ Kỷ lục Thế giới Guinness về cây cầu dài nhất thế giới bắc qua mặt nước, nhưng danh hiệu này bị thách thức vào năm 2011 khi Cầu vịnh Giao Châu Thanh Đảo dài 41,58 km khánh thành tại Trung Quốc. Những tranh cãi xung quanh hai cây cầu khiến tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness tạo ra hai hạng mục riêng biệt. Cầu Hồ Pontchartrain trở thành cầu liên tục dài nhất thế giới bắc qua mặt nước, trong khi Cầu vịnh Giao Châu Thanh Đảo là cầu tổng hợp dài nhất.