Sở hữu máy tính cá nhân hiện nay rất phổ biến, hầu hết mỗi người đều có ít nhất là 1 máy tính, chính vì thế, bạn nên tìm hiểu nguyên nhân nào làm giảm tuổi thọ của máy để có cách khắc phục hoặc hạn chế.
1. Nguồn điện cho máy
Nguồn điện ổn định rất quang trọng đối với máy tính
Không như thời kỳ đầu, ngày nay, hầu hết người dùng không còn quan tâm đến nguồn điện dùng cho máy tính, hay các thiết bị điện gia dụng khác. Thực ra, đây được xem là một trong các nguyên nhân chính làm giảm tuổi thọ của máy tính.
Nguồn điện gia đình về bản chất là không ổn định, tuy nhiên, rất ít người sử dụng bộ ổn áp, hay bộ lưu điện cho máy tính cá nhân. Nếu máy tính đang hoạt động mà điện áp giảm hay tăng đột ngột, đặt biệt là ngắt điện bất ngờ, thì tuổi thọ của các phụ kiện chính như ổ đĩa cứng, BIOS, và bo mạch chủ sẽ giảm thời gian sử dụng đáng kể.
Ngoài ra, nếu máy mới tắt, bạn nên chờ khoảng vài phút trước khi bật nó lên trở lại. Việc bật tắt máy tính quá nhiều tạo thêm nguy cơ hỏng linh kiện do sốc điện. Hầu hết các máy tính được thiết kế để sử dụng liên tục trong nhiều giờ liền, và chi phí điện cho chúng cũng không quá nhiều. Vì thế, bạn chỉ nên tắt máy vào ban đêm, và cài các chế độ ngủ tạm (sleep) khi không cần dùng đến nó.
Nói về yếu tố điện cũng không nên bỏ qua nguy cơ tĩnh điện, khi người dùng chạm tay thẳng vào các linh kiện lúc sửa chữa hay làm vệ sinh, mà không đeo vòng chống tĩnh điện. Nguy cơ này làm hỏng ngay hoặc ảnh hưởng đến tuổi thọ của các linh kiện bị nhiễm tĩnh điện.
Nguyên nhân thứ ba liên quan đến điện là hiện tượng sét lan truyền. Đường điện thoại hay ADSL bị sét lan truyền có thể làm cháy các linh kiện bên trong máy. Dù có được khắc phục hay sửa chữa và hoạt động trở lại, thì tuổi thọ của máy tính cũng sẽ suy giảm. Nếu không muốn ngắt dây điện thoại hay kết nối Internet vào lúc mưa giông, thì các bộ chống sét sẽ là giải pháp đáng được quan tâm.
2. Môi trường
Thường xuyên vệ sinh máy tính
Nguyên nhân do môi trường ở đây bao gồm các yếu tố như bụi bẩn, nước hoặc hơi ẩm.
Bụi có mặt khắp mọi nơi, kể cả trong phòng kín. Đặc biệt các hạt bụi càng bé lại càng gây nguy hại cho các mạch điện tử. Khi bị ẩm hay tích điện và dính vào các bản mạch, hiện tượng đoản mạch chắc chắn sẽ xảy ra.
Hãy thường xuyên làm sạch bụi bên trong máy tính bằng cọ mềm, giẻ khô, máy hút bụi hay bình xịt khí nén, đặc biệt là phần quạt làm mát máy.
Nếu không dùng máy tính trong một thời gian dài, hay trong môi trường nhiều bụi, thì sau khi tắt máy khoảng nửa giờ, chờ khoảng 30 phút cho máy nguội, bạn hãy đậy thật kín nó bằng loại túi phủ chống bụi.
Không mang nước đến gần máy tính, che chắn phía trên cẩn thận, và đừng đặt máy tính ngay dưới máy lạnh. Dù không gây cháy nổ hay chập mạch tức thời, thì nước cũng là nguyên nhân gây rỉ sét các bản mạch và lớp vỏ thùng máy bằng kim loại. Các loại nấm mốc khi gập nước và hơi nóng sẽ dễ dàng phát triển. Hơi nước từ các máy làm ẩm không khí trong phòng là nguyên nhân gây rỉ sét máy tính và các thiết bị điện tử, nếu sử dụng quá thường xuyên.
Nếu phát hiện ra có nước rơi vào, bạn hãy nhanh chóng tắt máy đi, tìm cách làm khô cả bên ngoài lẫn bên trong thùng máy. Đừng mở máy lên sử dụng khi máy tính chưa được làm khô hoàn toàn.
3. Sử dụng máy không đúng cách
Việc tùy tiện tháo lắp chiếc máy tính một cách không cần thiết sẽ làm nó mau hỏng hơn. Nếu muốn học tập, bạn nên sử dụng một chiếc máy tính cũ đã hỏng để thực hành. Ngoài ra, việc sử dụng các công cụ tháo lắp không đúng với các loại ốc vít sẽ làm hư bản mạch trên linh kiện. Và chắc chắn rằng các linh kiện bị chấn động vật lý do dùng sai công cụ sẽ không thể sử dụng lâu bền.
Nên đặt máy ở nơi không có tia mặt trời chiếu trực tiếp. Lựa chọn nơi thoáng khí, mát mẻ và cố định trên mặt phẳng.
Nguồn: Tổng hợp